Click để nghe Lệ Thu hát Đêm Đông trước 1975
Chiều của ngày tất niên, mưa phùn phủ một màn sương mờ ảm đạm lên thành phố. Một lữ khách lang thang qua đường Khâm Thiên, ngày thường vốn là con đường đông vui nhộn nhịp, nay văng vẻ, tinh mịch, không một tiếng phách, tiếng đàn, vài ba ca nhi ngôi đối gương soi bóng chờ khách một cách vô vọng.
Lữ khách lầm lũi bước qua những phố vắng, đến đường Cổ Ngư, lên đê Yên Phụ như muốn xa lánh những phố phường đông đúc: Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bạc, Đồng Xuân.. nơi mà nhiều người đang tấp nập sắm tết.
Gió thổi mạnh trên bờ đê, cây ngả nghiêng trút lá, cảnh vật xác xơ tiêu điều, lữ khách vẫn lặng lẽ bước. Bầu trời thấp đục sũng nước, những tảng mây xám lãng đãng trôi, một cánh chim gió cuốn lạc bầy, lảo đảo cuối trời. Dọc theo bờ đê, lữ khách gặp những người dân nghèo khoác những bao tải, những áo tơi lá, đi vội trong gió ngược chiều để về túp lều rách nát thân thương của mình, nơi khói cơm chiều đang tỏa nhẹ. Lữ khách bâng khuâng tự hỏi: Ta đi về đâu?
Có tiếng chuông chùa xa xa vọng lại như âm thanh huyền diệu từ cõi hư vô, và bỗng nhiên… một nét nhạc hình thành trong người lữ khách:
Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống
Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông
Đây cánh chim bâng khuâng rã rời
Cùng mây xám về ngang lưng trời.
Chân anh bước chậm lại theo nhịp nhạc.
Xa xa giòng sông Hồng đỏ quạch đang cuồn cuộn như muốn cuốn phăng mọi vật trong luồng chảy của nó, những con thuyền neo bến chòng chành như muốn lật, lữ khách càng nhớ da diết đến dòng Hương xanh biếc lững lờ trôi nơi quê mình, giờ này chắc cũng có những con thuyền neo bến vắng, trong đêm mưa dầm gió bấc cuối năm, càng thương cho những cô gái nghèo xứ Huế đang mỏi mắt mong chồng suốt canh thâu trong đêm trừ tịch. Một niềm thông cảm cho những số phận buồn thương trào dâng trong tâm hồn người nhạc sĩ.
Trời đã tối từ lâu, mưa càng nặng hạt, lữ khách như bừng tỉnh, toàn thân thấm lạnh. Xa xa có ánh đèn thấp thoáng trong lùm cây, lữ khách rảo bước. Một ngôi biệt thự xinh xinh với một mảnh vườn nho nhỏ bao quanh, đúng là tổ ấm lý tưởng của một đôi uyên ương. Lữ khách định bỏ đi, thì bỗng vang lên tiếng đàn dương cầm một khúc nhạc nói về xứ Huế mộng mơ:
“Trên sông Hương bến nước mơ chan chứa bao tình!”.
Nghe danh ca Duy Trác hát Trên Sông Hương trước 1975
Tim lữ khách như ngừng đập, anh như đột ngột gặp người yêu giữa sa mạc mênh mông. Anh đứng nép đứng dưới mái hiên lắng nghe. Ai đó chơi nhạc rất tình, chắc phải yêu thương xứ Huế lắm – tuy còn có đôi nốt chưa chính xác và tiết tấu hơi chậm.
Vừa lúc đó, có tiếng chó sủa – Một người đàn ông lịch sự, hiền hòa ra mở cửa.
– Tôi là lữ khách đêm đông không nhà, xin đứng trú mưa nhờ dưới mái hiên nhà ngài, mong ngài không phiền lòng.
Bằng một giọng Huế đặc, chủ nhà reo to:
– Ôi, khách quý! Khách quý! Em ơi, có khách Huế đến chơi. Mời ông vô!
Người vợ dịu dàng:
– Người đồng hương thân mến, gió nào đưa anh tới đây? Ướt cả rồi, ốm mất thôi!
Cả nhà xúm lại đón tiếp. Đây là một gia đình trí thức vừa ở Pháp về, chồng là bác sĩ, vợ là luật sư.
Giữa nhà, một bàn thờ khói nhang nghi ngút, với mâm ngũ quả, với cành mai trăng vươn dài, đỉnh trầm tỏa hương thơm diu dịu, ngan ngát. Một gia đình ấm cúng yêu thương. Cạnh bàn thờ, một bà già tóc bạc trắng, được búi theo kiểu Huế đang ngồi nhắm mắt, lần tràng hạt.
Lữ khách sững sờ, xúc động tưởng như gặp mẹ mình. Anh nhè nhẹ bước tới, quỳ xuống trước cụ già, cầm lấy hai tay, gục đầu vào, nước mắt thấm đầy tràng hạt. Cụ già với bàn tay gầy guộc lặng lẽ vuốt mái tóc ướt sũng của anh.
Người chủ nhà giới thiệu:
– Mạ ơi, anh ấy cũng là người Huế đó mạ nợ!
Cụ già không nói năng gì, chỉ thì thầm: Nam mô a di đà Phật!
Lò sưởi được khơi to. Ông chủ đặt chiếc mũ dạ của khách cạnh đấy. Bà chủ tự tay mình kê một chiếc ghế ngay trước lò sưởi, rót đầy một cốc rượu thuốc để mời khách ngồi sưởi và uống cho ấm người, nhưng khách không đến lò sưởi mà lững thững đến bên chiếc dương cầm và lặng lẽ ngồi xuống. Những ngón tay dài mềm mại lướt trên phím, tiếng nhạc vang lên thiết tha nồng thắm, đầy tình thương nỗi nhớ, có lúc khắc khoải bồn chồn, có lúc nức nở buồn thương. Khi tiếng nhạc cuối cùng vừa dứt, mọi người đều xúc động, mắt ngấn lệ.
Chủ nhà nồng nhiệt bắt tay lữ khách và hỏi:
– Anh là ai? Xin cho biết quý danh.
– Tôi tên là Nguyễn Văn Thương.
Người vợ reo lên:
– Ô! Đúng là tác giả bản nhạc “Trên sông Hương” em vừa đánh lúc nãy. Thật là múa rìu qua mắt thợ! Rứa bản nhạc anh vừa chơi là bài gì?
– Thưa bà, chưa có tên – có lẽ sẽ là… “Đêm Đông”. Tôi mới sáng tác trong đêm nay và vừa hoàn thành phần nhạc trên cây đàn piano của ông bà. Xin cám ơn!
Chuông đồng hồ báo 11 giờ 45. Đêm càng khuya mưa càng nặng hạt. Lữ khách kiên quyết từ giã gia đình người đồng hương vừa quen biết để trở về gác xép của quán trọ số 10 nơi ngõ hẹp, phố buồn lại có tên là Hội Vũ (!)
Anh lặng lẽ bước trên con đường bờ đê trơn trượt, lầy lội, tối tăm. Bỗng tiếng pháo giao thừa nổ vang, lan dần khắp bốn hướng, lữ khách bơ vơ đứng giữa nơi đồng không mông quạnh, anh bỏ chiếc mũ dạ xuống như muốn tiễn đưa một năm cũ đi qua, mặc cho mưa xối xả vào đầu, vào mặt; tiếng gió rít từng hồi như tiếng than khóc triền miên nhức nhối:
Đêm đông, ôi ta nhớ nhung đường về xa xăm
Đêm đông, ta mơ giấc mơ gia đình yêu thương
Đêm đông, ta lê bước chân phong trần tha phương
Có ai thấu tình cô lữ đêm đông không nhà!
Bài hát “Đêm Đông” được sáng tác một cách ngẫu hứng như vậy đó, vào một đêm mưa năm 1939, khi nhạc sĩ còn rất trẻ, mới 20 tuổi, đang học để thi tú tài tại Hà Nội, lần đầu tiên xa gia đình. Hai năm sau, “Đêm Đông” được xuất bản.
Qua bao thăng trầm, “Đêm Đông” đã sống mãi cùng thời gian. Với nét nhạc dịu dàng mà tha thiết, khắc khoải và da diết, với nội dung đậm tính nhân văn, “Đêm Đông” đã phản ánh được trọn vẹn và sâu sắc nỗi buồn nhức nhối của người tha hương.
Năm 1982, “Đêm Đông” đã được tuyển chọn là một trong mười bản tình ca hay của thế giới.
(Nguồn: https://nhacxua.vn/)