Ngành âm nhạc toàn cầu đạt doanh thu kỷ lục gần 30 tỷ USD năm 2024

Ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu ghi nhận doanh thu kỷ lục gần 30 tỷ USD, theo báo cáo mới nhất từ Liên đoàn Công nghiệp Ghi âm Quốc tế (IFPI), tổ chức đại diện cho các công ty thu âm trên toàn thế giới.

Báo cáo công bố ngày 19/3 cho thấy ngành âm nhạc đạt mức tăng trưởng liên tục trong năm thứ 10, với doanh thu tăng 4,8%, đạt tổng cộng 29,6 tỷ USD trong năm vừa qua. Đây là con số cao nhất từng được ghi nhận, chủ yếu nhờ sự đóng góp vượt trội từ các dịch vụ phát trực tuyến, vốn mang lại doanh thu lớn nhất kể từ đầu thập niên 1990.

taylor-swift-1742951196.webp
ữ ca sỹ-nhạc sỹ Taylor Swift biểu diễn tại sân vận động Wembley ở London, Anh ngày 15/8/2024. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Cụ thể, các dịch vụ phát trực tuyến hiện chiếm 69% tổng doanh thu toàn cầu, tương đương 20,4 tỷ USD, khẳng định vai trò chủ đạo trong sự phát triển của ngành. Trong khi đó, doanh thu từ các định dạng vật lý như băng đĩa và CD giảm 3,1% trong năm 2024, sau khi tăng trưởng 14,5% vào năm 2023. Ngược lại, đĩa than tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, với mức tăng 4,6% trong năm qua, đánh dấu năm thứ 18 liên tiếp ghi nhận sự phục hồi của định dạng này.

Xét về thị trường, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Vương quốc Anh vẫn là những khu vực dẫn đầu về doanh thu âm nhạc. Tuy nhiên, các khu vực tăng trưởng nhanh nhất bao gồm Trung Đông và Bắc Phi (tăng 22,8%), khu vực cận Sahara châu Phi (tăng 22,6%) và châu Mỹ Latinh (tăng 22,5%), cho thấy sự mở rộng đáng kể của ngành trên phạm vi toàn cầu. Theo IFPI, nữ ca sĩ Taylor Swift dẫn đầu danh sách nghệ sĩ có lượt nghe cao nhất trong năm 2024. Trong khi đó, đĩa đơn “Beautiful Things” của nghệ sĩ Benson Boone (Hoa Kỳ) trở thành ca khúc được phát trực tuyến nhiều nhất thế giới với 2,11 tỷ lượt, theo sau là “Espresso” của Sabrina Carpenter (1,79 tỷ lượt) và “Lose Control” của Teddy Swims (1,7 tỷ lượt), đều là các nghệ sĩ đến từ Hoa Kỳ.

Tại sự kiện công bố báo cáo ở London, Vương quốc Anh, các đại diện ngành âm nhạc bày tỏ lo ngại về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh trong lĩnh vực nghệ thuật. Giám đốc điều hành IFPI, bà Victoria Oakley, nhấn mạnh rằng công nghệ này đang sử dụng trái phép các tác phẩm âm nhạc có bản quyền để huấn luyện mô hình AI. Bà nhận định AI vừa mang lại cơ hội đổi mới cho ngành âm nhạc, vừa đặt ra thách thức lớn, đồng thời cảnh báo đây là “mối đe dọa thực sự và cấp bách đối với giá trị sáng tạo của con người”. Những vấn đề này dự kiến sẽ tiếp tục là tâm điểm thảo luận trong tương lai của ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu.

PV