Nhạc kịch Việt vươn tới đẳng cấp mới

Sân khấu nhạc kịch Việt nở rộ từ vài năm gần đây với chất lượng ngày càng nâng cao. Dù theo phong cách opera cổ điển hay broadway hiện đại, các tác phẩm nhạc kịch đều hướng đến chuẩn mực quốc tế, đồng thời vẫn mang dấu ấn sáng tạo của các nghệ sĩ nước nhà.

Gần đây, nhiều vở nhạc kịch trở thành “hiện tượng” của sân khấu, thu hút đông đảo khán giả, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao.

kich-1.jpg

Một cảnh trong vở nhạc kịch “Carmen” của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam

Thu hút đông đảo khán giả

Cuối tuần này, vở nhạc kịch “Khát vọng đỏ” khắc họa hình tượng Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình công diễn tại Hà Nội. Vở diễn là sự kết hợp dàn dựng của Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội và Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam với khát vọng đem đến một tác phẩm nhạc kịch có tầm vóc, quy mô dành cho khán giả. Thông qua câu chuyện về Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng An, tác phẩm sáng lên tinh thần dấn thân vì sự bình yên của Tổ quốc và ấm no, hạnh phúc cho nhân dân của những chiến sĩ quân đội hôm nay. Câu chuyện đầy màu sắc đương đại, âm nhạc đa dạng phong cách như ballad, pop, rock… trẻ trung, khiến “Khát vọng đỏ” thu hút được đông đảo khán giả trẻ, đem đến cái nhìn mới về một đề tài tưởng như khô khan.

Một tác phẩm mới nữa là vở nhạc kịch “Giấc mơ Chí Phèo” của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long. Chỉ vừa công bố biểu diễn vào ngày 23-12 tới tại Nhà hát Hồ Gươm, tác phẩm đã được đông đảo khán giả “săn vé”.

“Giấc mơ Chí Phèo” cảm tác từ tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao, với sự chung sức sáng tạo của Nghệ sĩ nhân dân Tấn Minh, nhạc sĩ Dương Cầm, “Giáo sư Xoay” Đinh Tiến Dũng, Nghệ sĩ ưu tú Phùng Tiến Minh. Điểm khác biệt của “Giấc mơ Chí Phèo” nhấn vào giấc mơ về tình yêu, về một cuộc sống bình dị của các nhân vật. Tác phẩm vừa công diễn tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc - 2024 đợt 1 và thắng lớn với Giải xuất sắc cho vở diễn, 3 Huy chương vàng cá nhân, 3 Huy chương bạc cá nhân và Giải Nhạc sĩ xuất sắc cho tổng đạo diễn, nhạc sĩ Dương Cầm.

Cả hai tác phẩm đoạt giải Vở diễn xuất sắc tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc - 2024 đợt 1 đều là nhạc kịch. Bên cạnh “Giấc mơ Chí Phèo”, vở nhạc kịch “Carmen” của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam cũng được xướng tên. “Carmen” phiên bản Việt do đạo diễn opera hàng đầu của Hồng Kông (Trung Quốc) Leung Siu Kwan Cindy dàn dựng, giữ nguyên vẹn giá trị của vở opera kinh điển song vẫn có yếu tố hiện đại và mới mẻ. Khán giả vô cùng thích thú và bất ngờ khi trải nghiệm câu chuyện trong bối cảnh hiện tại ở một quán rượu của thế kỷ XXI với điệu nhảy tap dance quyến rũ và tiết tấu trẻ trung của K-pop sôi động, thời thượng.

Cũng trong năm nay, nhiều vở nhạc kịch phong cách cổ điển đến hiện đại, đa dạng chủ đề được ra mắt, thu hút sự quan tâm của công chúng. Có thể kể đến như vở nhạc kịch “La Traviata” (Nhà hát Hồ Gươm và Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam), “Shrek the Musical” (The YOUniverse), “Zorba - Chú mèo thám tử” và “Bữa tiệc của Elsa” (Nhà hát Tuổi trẻ) đều là những tác phẩm ăn khách thời gian qua…

Tạo vị thế, đưa khán giả trở lại với sân khấu

Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội nhận định, thể loại nhạc kịch đang được nhiều đơn vị nghệ thuật nỗ lực dàn dựng, biểu diễn ngày càng chuyên nghiệp. Riêng tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm nay có 7 vở diễn nhạc kịch, trong đó có cả tác phẩm nhạc kịch kinh điển và nhạc kịch phong cách broadway. Không chỉ dàn dựng những tác phẩm của thế giới, nhiều đơn vị đã mạnh dạn khai thác đề tài cách mạng, đề tài hiện thực phê phán trong kho tàng văn học cách mạng Việt Nam…

kich-2.jpg

Vở nhạc kịch “Giấc mơ Chí Phèo” của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long

Thành công với nhiều tác phẩm nhạc kịch kinh điển như “Những người khốn khổ”, “Carmen”, “La Traviata” và mới nhất là “Khát vọng đỏ”, Nghệ sĩ ưu tú Phan Mạnh Đức, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam bày tỏ, nhà hát quyết định dấn thân dàn dựng những tác phẩm này với mong muốn mang đến cho khán giả cảm nhận thực sự về một tác phẩm nhạc kịch mang tầm thế giới. Điều này cũng nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật ngày càng cao của công chúng nước nhà.

Theo Nghệ sĩ ưu tú Phan Mạnh Đức, sau một thời gian mời các nghệ sĩ, đạo diễn nhạc kịch danh tiếng thế giới đến Việt Nam cộng tác dàn dựng, các nghệ sĩ Việt Nam đã có thêm kinh nghiệm. Cùng với năng lực sáng tạo, vận dụng những yếu tố phù hợp với khán giả trong nước, các nghệ sĩ đã tạo nên những tác phẩm mới vừa đạt chuẩn quốc tế vừa mang dấu ấn Việt Nam.

Ấp ủ thực hiện vở nhạc kịch “Giấc mơ Chí Phèo” trong nhiều năm với khát vọng về một sân khấu broadway đúng nghĩa tại nước nhà, nhạc sĩ Dương Cầm chia sẻ: “Từ nhu cầu thực tế và mong muốn khán giả đại chúng Việt Nam được thưởng thức nhạc kịch của người Việt theo chuẩn nhạc kịch quốc tế, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long nỗ lực biến “Giấc mơ Chí Phèo” trở thành thương hiệu Musical made in Vietnam”.

Nhạc sĩ Đỗ Bảo, tác giả âm nhạc vở nhạc kịch “Khát vọng đỏ” cho biết, trong nhạc kịch, yếu tố âm nhạc vô cùng quan trọng. Điều tạo nên sức hút và chất lượng cho các vở nhạc kịch Việt gần đây là đem đến cảm nhận sống động và chân thực cho khán giả. Ở vở nhạc kịch “Khát vọng đỏ”, 100% nghệ sĩ tham gia biểu diễn “live” (trực tiếp). Dù như vậy yêu cầu rất cao về chuyên môn và sự ăn khớp, song mang lại cho khán giả những trải nghiệm đỉnh cao và hoàn hảo. Đó là mục tiêu vươn tới của các nghệ sĩ.

Với sự đa dạng và chất lượng ngày càng được nâng cao, nhạc kịch Việt đang dần tạo được vị thế trong đời sống giải trí, góp phần đưa khán giả trở lại với sân khấu.

An Nhi